Cà chua được sử dụng khá nhiều trong các món ăn hàng ngày của mỗi gia đình, loại quả này thích hợp trồng vào mùa đông và cũng khá dễ chăm sóc nên nhiều gia đình thường tận dụng không gian để trồng và thu hoạch. Nhưng một trong những vấn đề mà mọi người cần nắm được đó chính là cách bảo quản cà chua tươi mới có thể sử dụng quanh năm và bài viết dưới đây sẽ hướng dẫn bạn cách giải quyết vấn đề này.
Contents
I. Những điều cần lưu ý khi lựa chọn cà chua để bảo quản
Điều đầu tiên bạn cần phải làm trước khi tiến hành bảo quản cà chua đó chính là lựa chọn những quả cà chua chất lượng và phù hợp để mang đi bảo quản. Để lựa chọn tốt nhất thì bạn cần lưu ý những điểm sau đây:
- Lựa chọn cà chua có màu đỏ hồng, nắn thấy chắc tay, không dập úng, cuống tươi ngon. Giống cà chua có màu hồng khi chín thường được nhiều người ưa thích vì nó có ruột đặc, ít hạt, nhiều nước.
- Không nên chọn những quả cà chua có màu quá sẫm để tránh bị thối, hay trái nhũn vì chúng dễ bị ủng.
- Tránh những trái cà chua có nhiều nếp nhăn vì thường chúng không được chín tự nhiên hoặc bị nhăn do quá trình vận chuyển.
II. Cách bảo quản cà chua tốt nhất theo từng độ chín
Đối với từng độ chín của cà chua thì bạn nên có những cách bảo quản khác nhau:
1. Bảo quản cà chua chín đỏ
Với cà chua chín đỏ, bạn nên để ở ngăn tủ lạnh có mức nhiệt độ khoảng từ 2-5 độ C, trước đó nên bọc cà chua bằng giấy. Bạn có thể điều chỉnh độ ẩm trong tủ lạnh để bảo quản nếu cầu kì hơn, cũng là để giữ cho cà chua không bị quá héo, nhăn. Độ ẩm phù hợp trong quá trình bảo quản từ 85-90%. Với cách làm này thì cà chua sẽ giữ được khoảng 1-2 ngày.
Còn nếu trong trường hợp bạn muốn bảo quản cà chua để sử dụng trong thời gian dài thì bạn cũng có thể cho cà chua vào túi hút bớt chân không và sau đó cho vào ngăn đá của tủ lạnh để cấp đông. Khi cần để sử dụng thì bạn mang ra xả dưới nước là có thể chế biến như thường.
2. Bảo quản cà chua ương
Với cà chua ương có màu hồng nhạt, bạn có thể bảo quản ở nhiệt độ 5 độ C trong 4 ngày. Khi nào gần ăn, bạn nên tăng nhiệt độ bảo quản cà chua hoặc để ra ngoài vài ngày để quả chín nhanh hơn.
3. Bảo quản cà chua xanh
Nếu cà chua còn xanh, bạn nên để ở nhiệt độ phòng cho cà chua chín dần, sau đó mới để vào ngăn mát tủ lạnh. Không nên bảo quản ở nhiệt độ quá thấp trong tủ lạnh bởi vì việc này sẽ làm cà chua bị khô và mất nước, lâu chín, đồng thời giảm đi hương vị của cà chua.
III. Các cách bảo quản cà chua bằng việc chế biến
1. Chế biến cà chua thành sốt
Chế biến cà chua thành sốt sau đó mang đi bảo quản là một trong những cách mà nhiều người lựa chọn. Bạn có thể thực hiện cách này bằng các bước như sau:
Bước 1: Sơ chế cà chua
- Cà chua đem rửa sạch, để ráo, sau đó bạn dùng dao khứa hình chữ thập trên đầu mỗi cà chua.
- Đun sôi một nồi nước rồi cho cà chua vào, luộc trong khoảng 20s. Vớt cà chua ra để nguội, sau đó bóc vỏ, bỏ hết hạt.
- Cho thịt cà chua vào máy xay sinh tố xay mịn.
Bước 2: Nấu sốt cà chua
- Bạn cho phần cà chua đã xay cùng một chút muối vào nồi đun sôi.
- Vặn nhỏ lửa, tiếp tục đun cho đến khi cà chua hơi sệt là được, vừa đun vừa khuấy đều. Như vậy là bạn đã hoàn thành món tương cà chua.
Bước 3: Cách bảo quản sốt cà chua trong ngăn đá tủ lạnh và ngăn mát
- Tương cà sau khi đã để nguội thì cho vào chai thủy tinh sạch, khô ráo, sau đó để vào ngăn mát tủ lạnh và dùng dần.
- Để ngăn vi khuẩn và không khí tiếp xúc với cà chua khiến tương cà chua mau hỏng, bạn đun sôi một ít dầu ăn, để nguội rồi rót một lớp mỏng vào miệng chai thủy tinh trên.
- Bạn có thể chia tương cà ra các chai để dùng dần. Để một số chai dưới ngăn mát nếu bạn thường xuyên làm các món với cà chua. Số còn lại bạn nên cho vào ngăn đá để sử dụng được lâu dài hơn.
2. Sấy cà chua để bảo quản lâu hơn
Để bảo quản cà chua lâu hơn nhiều người đã lựa chọn phương pháp sấy khô, hơn nữa cà chua sấy cũng là một trong những món ăn vặt được nhiều người ưu thích.
Bước 1: Sơ chế
- Rửa sạch cà chua, để ráo nước, sau đó cắt thành 5 hoặc 7 lát tùy theo kích cỡ từng quả cà chua.
- Trộn cà chua đã thái lát với một ít muối. Một số bạn thích ăn ngọt, hoặc nếu cà chua mua về là loại có độ chua nhiều thì bạn có thể trộn thêm một ít đường trắng.
Bước 2: Phơi cà chua khô tự nhiên hoặc sấy bằng lò nướng, máy sấy hoa quả
- Sau khi trộn đều, bạn xếp từng miếng cà chua lên 1 cái khay và phơi vào những ngày nắng to. Phơi trong khoảng từ 5-6 ngày là bạn đã có một mẻ cà chua sấy khô tự nhiên đúng chuẩn.
- Nếu muốn nhanh hơn, bạn có thể sử dụng lò nướng nếu có: Xếp cà chua lên khay và cho vào lò nướng khoảng 5-6 tiếng, mức nhiệt độ trung bình là 120 độ C. Sau khi cà chua được sấy xong, bạn để nguội và cho cà chua vào hũ kín dùng dần.
- Ngoài lò nướng, bạn cũng có thể sử dụng các loại máy sấy hoa quả để việc sấy cà chua được nhanh chóng, tiện lợi hơn.
3. Bảo quản cà chua bằng muối
Cà chua mang đi ướp muối có thể bảo quản được trong vòng 1 tháng và cách thực hiện cũng khá là đơn giản như sau:
- Bạn chọn những quả cà chua chín, vẫn còn cứng chứ không mềm quá.
- Đem cà chua đi rửa sạch, chờ cho ráo nước. Sau đó xếp lần lượt cà chua thành từng lớp vào trong lọ to, hoặc chum vại nếu có. Cứ một lớp muối đến một lớp cà.
- Đậy kín lọ chứa, bảo quản ở những nơi thoáng mát.
Trên đây là tổng hợp những cách bảo quàn cà chua tốt nhất mà bạn nên bỏ túi cho nhà bếp của mình để lúc nào cũng sẽ có cà chua để sử dụng. Nếu bạn còn muốn bảo quản loại thực phẩm nào khác hãy để lại bình luận bên dưới và petrifiedtruth sẽ làm bài chia sẻ vào số sau nhé!